Nhiều người đã tỏ ra “thắc mắc” về danh xưng của Sữa Ong Chúa trong ngôn ngữ Việt Nam. Bởi vì họ nghĩ rằng con Ong chúa là loài “côn trùng” thì làm sao có sữa được.
1. Sữa Ong Chúa là gì?
Sữa ong chúa thực ra là “thức ăn” nuôi Ong chúa, do Ong thợ nhả ra từ trong tuyến họng của nó chứ không phải là sữa của con Ong chúa.
Trong mỗi tổ Ong có hàng ngàn con Ong thợ nhưng chỉ có duy nhất một con Ong chúa. Cơ thể con Ong chúa to gấp 1,5 lần con Ong thợ. Mỗi ngày con Ong chúa có thể đẻ ra từ 500 – 2.000 trứng, con Ong chúa thường quay đuôi và đẻ trứng trong ổ Ong.
Cuộc đời của loài Ong bắt đầu bằng trứng Ong, sau đó chuyển qua ấu trùng rồi thành con nhộng, để rồi sau cùng trở thành con Ong.
Trứng sau khi đẻ được 3 ngày sẽ biến thành một ấu trùng nhỏ xíu, sau đó ấu trùng được con Ong thợ cho ăn suốt 6 ngày liền, nhờ vậy ấu trùng to trở nên gấp mấy trăm lần so với ban đầu. Sau đó ấu trùng trở nên thành con nhộng và cuối cùng là con Ong.
Ấu trùng được chọn để biến thành Ong chúa được cho ăn “Sữa Ong Chúa” 6 ngày liền để rồi chỉ 16 ngày sau khi đẻ, nó phát triển thành một con Ong chúa. Sau đó Ong chúa tiếp tục được ăn “Sữa Ong Chúa” suốt đời nhờ vậy nó sống lâu được 6-7 năm.
Trong khi đó Ấu trùng để trở thành con Ong thợ chỉ được cho ăn “Sữa Ong Chúa” có 3 ngày đầu, rồi chuyển qua ăn mật ong và phấn hoa 3 ngày kế đó. Vì ăn ít “Sữa Ong Chúa” cho nên 21 ngày sau khi đẻ, nó phát triển thành con Ong thợ. Con Ong thợ chỉ được ăn mật ong và phấn hoa đến suốt đời nên nó sống trung bình khoảng 2-3 tháng thì chết.
Qua sự so sánh vừa rồi cho chúng ta thấy, tuy rằng cùng là một loài trứng giống nhau, cùng là một loài ấu trùng giống nhau, nhưng nếu ấu trùng nào được cho ăn “Sữa Ong Chúa” 6 ngày thay vì 3 ngày thì sẽ trở thành Ong chúa và bởi vì nó được ăn “Sữa Ong Chúa” đến suốt đời nên tuổi thọ của nó cao gấp mấy chục lần tuổi thọ con Ong thợ.
Qua phân tích và thí nghiệm lâm sàng do các nhà khoa học trên thế giới thực hiện, thì người ta phát hiện ra rằng loại thức ăn này là một thức ăn vô giá do thiên nhiên ban tặng. Nhờ ăn “thức ăn đặc biệt này” mà Ong chúa có thể sống lâu hơn các Ong thợ gấp mấy chục lần và to gấp 1,5 lần Ong thợ.
Theo các nghiên cứu cho thấy, khi các ấu trùng được chọn lựa để trở thành Ong chúa, thì các Ong thợ sẽ tạo ra những ổ Ong lớn hơn các ổ Ong của Ong thợ. Những ổ Ong lớn dành cho Ong chúa được gọi là ổ Ong chúa, trong ngành nuôi ong gọi là Mũ Chúa, tiếng anh gọi là Queen Cell, sẽ được Ong thợ nhã “Sữa Ong Chúa” đầy vào đó để ấu trùng có đủ “Sữa Ong Chúa” ăn tối thiểu 6 ngày liền.
2. Tại sao có nhiều “Sữa Ong Chúa” vậy?
Trong những tổ Ong thiên nhiên hoặc những tổ Ong nuôi để lấy mật thì số lượng ổ Ong chúa có rất ít khoảng 5-10 cái mỗi năm. Và vì vậy số “Sữa Ong Chúa” lấy được từ những ổ Ong chúa này chỉ có khoảng 5-10 gram mỗi năm mà thôi.
Trong khi đó những tổ Ong nuôi để khai thác “Sữa Ong Chúa” có thể sản xuất ra khoảng 2-3kg “Sữa Ong Chúa” mỗi năm. Bởi vì loài người đã kiếm được cách lừa gạt Ong thợ khiến cho chúng phải nhả đầy Sữa ong chúa vào các ổ Ong chúa giả suốt ngày này qua ngày kia.
3. Cách lấy “Sữa Ong Chúa”
– Bước 1: Người công nhân nuôi Ong dùng kim nhỏ để di chuyển những con ấu trùng từ tổ Ong vào những ổ ong chúa giả, khoảng 60-90 ổ Ong chúa giả được làm bằng plastic được gắn vào một khung gỗ còn được gọi là khung cầu.
– Bước 2: Người nuôi Ong bỏ khung cầu vào lại tổ Ong, để Ong thợ nhả “Sữa Ong Chúa” vào những ổ Ong chúa giả trong mấy ngày kế tiếp. Sau 2 đêm để trong thùng Ong, ngày thứ 3 khung cầu được lấy ra để thu hoạch Sữa ong chúa. Những ổ Ong chúa giả bây giờ đã có đầy Sữa Ong chúa ở bên trong.
– Bước 3: Người công nhân cắt nắp những ổ ong chúa giả.
– Bước 4: Tiếp theo họ gắp ấu trùng ra trước khi lấy “Sữa Ong Chúa”.
– Bước cuối cùng: Người công nhân dùng dụng cụ để lấy Sữa Ong chúa ra và cất ngay vào tủ đá lạnh bởi vì Sữa ong chúa dạng lỏng rất dễ bị hư.
Nguồn: Tổng hợp từ Internet.