Dấu hiệu sắp sinh em bé và những nguy hiểm mẹ bầu cần biết. Khi sắp sinh, mỗi một phụ nữ đều có những trải nghiệm khác nhau. Nếu nhận thấy 10 dấu hiệu sắp sinh em bé sau đây, mẹ có thể biết mình cần phải chuẩn bị cho cuộc vượt cạn sắp tới
Các dấu hiệu sắp sinh em bé mẹ bầu nào cũng cần biết
Dịch tiết âm đạo nhiều hơn, đặc hơn
Âm đạo tiết dịch nhiều hơn và có thể đặc hơn một chút là dấu hiệu sắp sinh em bé đó mẹ . Nguyên nhân là do nút nhầy có tác dụng bịt kín cổ tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm, sẽ bong ra trong tử cung. Nút nhầy là một miếng lớn hoặc nhỏ trông sền sệt, màu vàng nhạt như lòng trắng trứng. Một số trường hợp nút nhầy bong ra sẽ lẫn một chút máu. Dấu hiệu chuyển dạ này được gọi là “máu báo” và nó là một tín hiệu tốt cho cuộc vượt cạn sắp bắt đầu. Tuy nhiên, nếu những cơn co thắt chưa diễn ra hay tử cung chưa nở được 3-4 cm, mẹ có thể phải chờ thêm một vài ngày nữa. Ra máu âm đạo là một dấu hiệu quan trọng, mẹ cần thông báo ngay cho bác sĩ để được kiểm tra và theo dõi kịp thời.
Đi tiểu thường xuyên hơn
Khoảng 2 tuần trước sinh, mẹ có thể đi tiểu khoảng 1 giờ một lần. Dấu hiệu sắp sinh em bé này xảy ra là do đầu của thai nhi đã nằm sát bàng quang nên mẹ sẽ thường xuyên có cảm giác buồn đi tiểu và đi tiểu nhiều lần. Dẫu vậy, mẹ hãy nhớ là đừng cố gắng nhịn tiểu bởi sẽ nó làm hại cả mẹ lẫn con.
Để biết bụng bầu đã tụt chưa, mẹ có thể quan sát ngực xem có còn chạm vào phần trên của bụng nữa không? Nếu thấy ngực không chạm được vào phần trên của bụng nữa thì chắc chắn em bé đã tụt sâu xuống dưới. Có nhiều mẹ còn cảm nhận thấy rõ đầu em bé đã lọt xuống khung xương chậu, vài ngày sau đó, em bé của mẹ sẽ chào đời.
Bụng tụt xuống thấp là một trong những dấu hiệu mẹ sắp đến thời điểm “vượt cạn”.
Dấu hiệu này thường chỉ chính xác với những mẹ bầu sinh con lần đầu, còn những mẹ mang thai lần hai, cơ bụng đã giãn hơn nên thai thường không đi xuống mà tới khi mẹ bắt đầu chuyển dạ mới tụt xuống khung xương chậu.
Các cơn co thắt ngày càng mạnh và liên tục
Các cơn co thắt chính là những dấu hiệu sắp sinh em bé rõ ràng nhất. Mẹ sẽ cảm thấy đau quặn thắt như thể các cơ trong tử cung đang siết chặt để chuẩn bị “tống” bé ra ngoài. Tuy nhiên, mẹ cũng nên phân biệt hàng thật và hàng giả, co thắt Braxton-Hicks sẽ diễn ra vài tuần hay thậm chí là vài tháng trước khi sinh.
Cơn co thắt thật sẽ mạnh, đau và khó chịu hơn
Các cơn co thắt vẫn không giảm hay biến mất khi bạn thay đổi tư thế
Cơn đau sẽ bắt đầu từ phần lưng dưới và di chuyển dần tới phần bụng dưới rồi cuối cùng có thể là đến 2 chân của bạn
Tiến trình co thắt: Tần suất co thắt ngày càng liên tục, đau đớn hơn và đều đặn hơn, chúng cách nhau khoảng 5-7 phút.
Bị chuột rút và đau lưng nhiều hơn
Khi sắp sinh, mẹ sẽ cảm thấy mình bị chuột rút, đau hai bên háng và phần lưng nhiều hơn, đặc biệt nếu đây là lần đầu mẹ sinh con. Lúc này, các cơ khớp ở vùng xương chậu và tử cung bị kéo căng ra để chuẩn bị cho bé ra đời.
Mẹ cần nhận ra những dấu hiệu sắp sinh em bé sớm để có thể kịp thời xử lý.
Đau mỏi hông
Các cơn đau mỏi hông và xương chậu nhiều hơn, do dây chằng ở xương chậu và tử cung bị căng ra chuẩn bị cho cuộc sinh nở.
“Máu báo”
Nếu mẹ thấy âm đạo ra dịch nhớt màu hồng thì đây chính là dấu hiệu sắp sinh em bé và cho biết ngày sinh của mẹ đã cận kề rồi đấy. Không có gì phải lo lắng trừ khi mẹ ra máu nhiều đến mức phải đóng băng vệ sinh thì mới cần đến ngay bệnh viện.
Ngừng tăng cân (hoặc giảm cân)
Tăng cân có xu hướng chững lại ở những ngày cuối của thai kỳ.
Một số bà mẹ tương lai thậm chí còn bị mất một vài kí-lô! Đây là điều bình thường và sẽ không ảnh hưởng gì đến cân nặng của bé.
Cân nặng của bé vẫn tăng, nhưng bạn lại đang mất cân do mức độ của nước ối thấp, cần phải vào nhà vệ sinh nhiều lần và có thể do tăng hoạt động.
Chỉ muốn nằm nghỉ
Ở giai đoạn này, một số mẹ sẽ có cảm giác mệt mỏi như trong tam cá nguyệt đầu tiên. Bụng ngày càng to, cồng kềnh và sự chịu đựng của thận sẽ làm cho mẹ cảm thấy khó có thể ngon giấc vào ban đểm trong suốt những tuần cuối thai kỳ. Vì vậy, cứ khi nào mẹ cảm thấy buồn ngủ thì nên tranh thủ chợp mắt ngay khi có thể.
Mẹ phải nhập viện sớm nếu có những dấu hiệu này
Cơn co thắt ở mỗi người mẹ là khác nhau, vì vậy, sẽ rất khó để nhận biết chính xác dấu hiệu bạn nên nhập viện. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên rằng, những trường hợp sau, người mẹ nên tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
Người mẹ sinh bé lần đầu, những cơn co thắt xảy ra 5 phút một lần, mỗi lần kéo dài khoảng 30 giây. Nhìn chung, những thai phụ sinh con đầu lòng bao giờ cũng có thời gian chuyển dạ dài hơn so với bà mẹ sinh con lần 2.
Cường độ của những cơn co thắt mỗi lúc mỗi mạnh hơn, đến mức người mẹ không chịu đựng nổi.
Người mẹ mang thai dưới 37 tuần và xuất hiện những cơn co thắt dồn dập.
Người mẹ không còn nhận thấy cảm giác thai nhi cử động sau những cơn co thắt.
Dấu hiệu sắp sinh em bé và những biến cố nguy hiểm khi chuyển dạ
Sa dây rau: Sa dây rau thường xảy ra lúc vỡ ối do áp lực nước ối tăng và ngôi thai (thường là ngôi đầu, ngôi mông hay ngôi vai) chưa xuống thấp. Dây rau có thể sờ thấy ngay trong âm đạo, nhiều hay ít tùy từng trường hợp. Nếu là ngôi đầu, nguy cơ thai chết sẽ lớn hơn trường hợp ngôi ngược hay ngôi ngang.
Vỡ ối non và vỡ ối sớm: Vỡ ối non là tình trạng khi chưa có dấu hiệu chuyển dạ mà ối đã vỡ. Còn vỡ ối sớm là khi đã có chuyển dạ nhưng cổ tử cung chưa mở hết. Vỡ ối non nguy hiểm hơn vì chỉ chừng 5-6 giờ sau là nước ối đã có thể bị nhiễm khuẩn trong buồng tử cung. Thai nhi rất dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, gặp nguy hiểm khi chuyển dạ và cả sau khi sinh.
Băng huyết: Hiện tượng băng huyết xảy ra nhiều nhất là trong thời kỳ xổ rau. Nguyên nhân do rách đường sinh dục khi sinh nở. Rách cổ tử cung, âm đạo gây băng huyết mạnh nhất, rồi đến rách âm môn (tầng sinh môn). Vỡ tử cung không chỉ nguy hiểm vì gây chảy máu mà còn gây đau toàn thân. Tỷ lệ tử vong trong trường hợp này là rất cao.